DELLXPS 13 9310 (2021)
Dù sử dụng nguyên thiết kế từ phiên bản trước, không quá nhiều thay đổi về bề ngoài, Dell XPS 13 9310 đã cải thiện rất tốt những gì bên trong của mình, khi nâng cấp hoàn toàn về vi xử lý cũng như hiệu năng sử dụng. Đây thực sự là phiên bản nâng cấp đáng giá cho dòng XPS kể từ khi CPU Thế hệ 8 ra mắt.
Mang trong mình chú hổ Tiger Lake thế hệ 11 mới nhất, cải thiện tối đa về mức tiêu thụ điện năng, cũng như xung nhịp, kèm theo đó là công nghệ Intel Evo, khiến chiếc máy này luôn hoạt động với công suất tối đa dù không cần cắm sạc, thoải mái cho người dùng sử dụng liên tục các tác vụ nặng. Máy có 3 tuỳ chọn CPU lần lượt là i3 1115G4, i5 1135G7 và i7 1165G7, tuy nhiên chỉ có phiên bản i5 và i7 là được hỗ trợ Intel Evo.
Máy được trang bị card đồ hoạ Intel Iris Xe mạnh mẽ, ngang hàng với những card đồ hoạ rời tới từ đối thủ Nvidia và AMD. Với card đồ hoạ này, người dùng có thể xử lý các tác vụ đồ hoạ, cũng như chơi một vài tựa game ở mức thiết đặt phù hợp. Tất nhiên, chỉ có phiên bản i5 và i7 mới được trang bị card đồ hoạ này, còn i3 vẫn là Intel UHD.
Thiết kế – Chưa cần thay đổi
Dell tiếp tục áp dụng triết lý thiết kế của XPS 9300 đình đám vào năm ngoái lên chiếc XPS 9310 này. Đây là kiểu thiết kế nhôm nguyên khối đã từng làm mưa làm gió cộng đồng fan XPS vì vẻ hiện đại, tinh tế này. Máy vẫn dày khoảng 1.5 cm, và nhẹ cỡ 1.2kg, phù hợp để mang đi mang lại. Những đường vân cắt CNC tinh xảo, không tì vết luôn là điều khiến người dùng thích thú ở Dell. Điểm nổi bật vẫn luôn là logo Dell được mạ Chrome ở chính giữa.
Viền màn hình vẫn được thiết kế theo lối InfinityEdge, vô cực mọi góc độ. Bản lề vẫn được thiết kế ở chính giữa, theo hơi hướng EurgoLift, nhằm tăng khả năng tản nhiệt trên chiếc Ultrabook này.
Máy có 2 màu sắc chủ đạo là màu xám Silver và màu trắng Frost White như thế hệ trước.
Màn hình – vẫn luôn chi tiết, sắc nét
Do là bản nâng cấp bên trong, màn hình máy cũng không có sự thay đổi. Máy vẫn được trang bị màn hình Full HD IPS, với độ sáng 500 nits và độ phủ màu 100% sRGB, hơn hẳn những đối thủ trong cùng phân khúc như ThinkPad X1 Carbon Gen 8, hay Surface Pro 7. Màn hình tỉ lệ 16:10 quen thuộc cũng khiến chiếc máy có thể tối ưu trải nghiệm làm việc hơn bao giờ hết.
Máy có thêm 2 tuỳ chọn màn hình gương, cảm ứng nữa, với một phiên bản Full HD có độ phủ màu 100% sRGB tương tự phiên bản màn nhám không cảm ứng, và một phiên bản màn hình 4K cao cấp với độ phủ màu DCI-P3 lên tới 90%
Bàn phím và TouchPad
Do sử dụng chung thiết kế với 9300, Dell vẫn dùng bàn phím MagLev với cảm giác gõ vô cùng khác biệt. Hành trình phím nông hơn, tuy nhiên mức độ phản hồi cũng như độ nảy cao, so với MacBook Air 2020 cũng phải một 9 một 10. Công nghệ MagLev sử dụng nam châm để nâng cao tính đồng nhất, tuổi thọ và phản hồi phím mà không cần hành trình phím sâu hơn. Điểm nhấn vẫn là nút nguồn kiểu mới của Dell, được tích hợp vào bàn phím, nhưng lại cần điểm lực lớn hơn để nhấn nên dễ dàng phân biệt với các phím còn lại.
TouchPad vẫn được làm lớn như phiên bản trước, được phủ kính. Do sử dụng Driver Precision, cử chỉ rất nhạy, không có độ trễ. Hai nút chuột hai bên bấm có tiếng khá lớn.
Vì đi theo hướng tối giản, cũng như sử dụng form thiết kế cũ, máy có 2 cổng USB-C, 1 khe thẻ microSD và 1 jack tai nghe 3.5mm, chứ không hề lược bỏ đi. Đáng chú ý, 2 USB-C được tích hợp Thunderbolt 4 mới nhất hiện nay, cải thiện về khả năng truyền dữ liệu cũng như truyền tải tín hiệu qua màn hình 8K.
.